Chủ nhật, 28-4-2024 - 6:12 GMT+7  Việt Nam EngLish 

EVFTA- động lực gia tăng thương mại và đầu tư Việt Nam - Bỉ 

 Thứ sáu, 14-5-2021

AsemconnectVietnam - Nhiều doanh nghiệp của Bỉ đang muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là khi EVFTA có hiệu lực và giảm thuế quan. Đây là lời khẳng định của ông Riccardo Benussi, Giám đốc Phát triển kinh doanh châu Âu của hãng tư vấn đầu tư nước ngoài tại châu Á Dezan Shiran & Associates.

Hãng tư vấn đầu tư này trong một bài viết gần đây cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, Bỉ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Các lĩnh vực mà nhà đầu tư Bỉ đặc biệt quan tâm hiện nay tại Việt Nam là các ngành công nghiệp, thực phẩm và đồ uống, chế biến và sản xuất, dược phẩm, năng lượng tái tạo. Với sự gia tăng thương mại giữa hai quốc gia, các nhà đầu tư Bỉ nhận thấy cơ hội đầu tư vào các ngành công nghiệp của Việt Nam bằng cách tận dụng các thuận lợi nhờ mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước.
Do tác động của đại dịch Covid-19 , kể từ tháng 3/2020, xuất khẩu của Bỉ ghi nhận kết quả tăng trưởng âm, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức suy thoái đáng kể nhất của nước này kể từ cuộc suy thoái năm 2009. Tháng 12/2020, xuất khẩu của Bỉ đã tăng 2,5%, dấu hiệu phục hồi tích cực của nước này kể từ đầu đại dịch. Dù xuất nhập khẩu của Bỉ đã gặp phải những thách thức nghiêm trọng vào năm 2020 nhưng dự kiến, nước này sẽ sớm phục hồi trong những tháng tới của năm 2021.
Trong thập kỷ qua, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Bỉ đã cải thiện đáng kể. Điều này có được là nhờ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng và sự mở rộng, toàn cầu hóa của một số tập đoàn Bỉ.
Tính đến tháng 3/2021, Bỉ có 78 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số 131 nước đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Bỉ, với giá trị thương mại đạt khoảng 707,55 triệu USD vào năm 2020, tăng 6,7% so với năm 2019.
Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 2,9 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2018, trong khi Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa của Bỉ trị giá 698 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2018.
Trong 7 tháng đầu năm ngoái, do đại dịch Covid-19, Việt Nam đã ghi nhận giá trị xuất khẩu trị giá 1,4 tỷ USD sang Bỉ, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt khác, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa trị giá 459 triệu USD từ Bỉ, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Những con số này cho thấy, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ bị suy giảm, nhưng giá trị hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Bỉ vẫn tăng, đó là tín hiệu tích cực cho tương lai của thương mại song phương giữa hai nước.
Năm 2019, Bỉ là nước xuất khẩu lớn thứ 7 trong EU vào Việt Nam. Năm 2020, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Bỉ sang Việt Nam là hóa chất (46,2%) và máy móc thiết bị (13,7%). Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Bỉ là dệt may, giày dép, mũ đội đầu và kim loại cơ bản.
Khoản đầu tư lớn nhất của Bỉ vào Việt Nam hiện nay là phát triển và vận hành cụm khu công nghiệp, tiêu biểu là Khu công nghiệp DEEP C (tên gọi ban đầu là Khu công nghiệp Đình Vũ-DVIZ). DVIZ được thành lập vào năm 1997 và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khu vực Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam thành một trung tâm công nghiệp năng động trong 23 năm qua. DEEP C đã thu hút hơn 130 dự án với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Singapore. Trong tương lai, DEEP C vẫn đang thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Bỉ và các nhà đầu tư khác đến kinh doanh và thiết lập nhà máy, kho bãi tại khu công nghiệp này. Khu công nghiệp này vẫn còn nhiều cơ hội phát triển tại những ngành sản xuất khác nhau như điện tử, ô tô, hậu cần, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, hoá chất và năng lượng tái tạo. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chiến lược Trung Quốc + 1 cũng là cơ hội lớn đối với khu công nghiệp này và các khu công nghiệp khác nói chung tại Việt Nam khi nhiều tập đoàn sản xuất đang rời khỏi Trung Quốc.
Ngoài các khu công nghiệp, các nhà đầu tư Bỉ cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của Việt Nam. Cụ thể là, các khoản đầu tư của Bỉ tập trung vào chuỗi cung ứng của ngành, cung cấp nguyên liệu cho các nhà hàng, nhà máy F&B và bán lẻ.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo của Việt Nam cũng chứng tỏ là lĩnh vực đầu tư tiềm năng cho các tập đoàn Bỉ. Những năm qua, hầu hết các khoản đầu tư của các nhà đầu tư Bỉ tại Việt Nam tập trung vào cảng biển, cơ sở hạ tầng, bất động sản, sản xuất và phát điện.
Dược phẩm cũng là lĩnh vực quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu dược phẩm lớn nhất của Việt Nma hiện nay là EU, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc. Trong khi đó, Việt Nam cũng xuất khẩu dược phẩm sang các nước thuộc ASEAN, Nhật Bản, Cộng hoà Cyprus và Mỹ. Hầu hết các nhà đầu tư EU tìm nguồn nguyên liệu dược phẩm thô từ EU, vận chuyển đến Việt Nam, sản xuất và chế biến sản phẩm tại Việt Nam trước khi nhập khẩu trở lại EU. Nhờ có EVFTA, khoảng 71% thuế quan nhập khẩu đã được xóa bỏ. Hơn nữa, các hàng rào phi thuế quan cũng mang lại cơ hội trong việc cải thiện quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu dược phẩm trực tiếp.
Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân trong thập kỷ qua và ký kết một số hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự gia tăng thương mại song phương giữa Bỉ và Việt Nam, cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng từ Bỉ cho thấy triển vọng tươi sáng cho quan hệ hai nước. Sự hiện diện lâu dài và đầu tư thành công của các công ty Bỉ tại Việt Nam là tín hiệu tốt và là có tính tham khảo, mở ra các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Nguồn: congthuong.vn/evfta-dong-luc-gia-tang-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-bi-156983.html
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710952365