Chủ nhật, 19-5-2024 - 2:53 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Đồng đô la mạnh gây quan ngại khắp châu Á, hiện tượng Déjà vu xuất hiện 

 Thứ sáu, 3-5-2024

AsemconnectVietnam - Động thái thắt chặt tiền tệ bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Indonesia vào tuần trước là một điềm báo đối với các nhà đầu tư từ toàn cầu, trong khi trước đó thị trường hiếm khi chú ý động thái của nước này.

Việc Ngân hàng Trung ương Indonesia tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 24/4 không phải chỉ là các sự kiện ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á mà còn là về những sự kiện ở Mỹ. Đồng đô la tăng mạnh đang hút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi ở khắp mọi nơi.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết: “Những điều kiện này đòi hỏi một phản ứng chính sách mạnh mẽ để giảm thiểu tác động tiêu cực của sự bất ổn toàn cầu đối với nền kinh tế của các nước đang phát triển, bao gồm cả Indonesia”.
Đây chỉ là ví dụ mới nhất về những lo ngại giống như năm 1997 ở châu Á khi đồng đô la tăng giá. Động thái thắt chặt tiền tệ mới nhất khiến Indonesia một lần nữa phải nỗ lực ổn định đồng rupiah, trong khi Philippines và Thái Lan trì hoãn cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đứng trước nỗi lo về tỷ giá, Trung Quốc lo ngại tình trạng giảm phát ngày càng trầm trọng và đồng yên sụt giảm liên tục theo thời gian thực.
Khủng hoảng tài chính năm 1997 ở châu Á và hiện tượng Déjà vu
Hiện tượng tâm lý Déjà vu được mô tả là hiện tượng mà một người cảm thấy rằng mình đã sống qua hoàn cảnh đó trong quá khứ với đúng nghĩa đen là “đã thấy”. Hiện tượng Déjà vu có rất nhiều.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng từng là Bộ trưởng Tài chính vào cuối những năm 1990 đang phải trấn an thị trường rằng tỷ giá hối đoái đồng ringgit đang “trong tầm kiểm soát” khi đồng tiền này rơi về mức thấp năm 1998.
Trên thực tế, các giai đoạn đồng đô la mạnh lên không có xu hướng kết thúc tốt đẹp đối với châu Á. Sự kiện điển hình nhất là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 được thúc đẩy bởi động lực tương tự đằng sau đợt tăng giá của đồng đô la, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện thắt chặt mạnh mẽ.
Sự sụp đổ tiền tệ của châu Á vào cuối những năm 1990 là kết quả trực tiếp của chu kỳ thắt chặt 1994-1995 của Fed, khi các nhà hoạch định chính sách tăng gấp đôi lãi suất ngắn hạn trong 12 tháng. Theo thời gian, khi đồng đô la tăng vọt, việc neo giá tiền tệ ở châu Á trở nên không thể bảo vệ được.
Thái Lan đã phá giá đồng tiền đầu tiên vào tháng 7/1997, sau đó là Indonesia và Hàn Quốc trong thời gian ngắn. Philippines đứng trên bờ vực của sự hỗn loạn tài chính. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Malaysia khi các quan chức phải dùng đến biện pháp kiểm soát vốn.
Những rắc rối của Malaysia có khả năng khơi dậy ký ức trong quá khứ của các nhà đầu tư. Nó cung cấp một trong những mạch truyện kỳ lạ nhất cuối thập niên 1990: Thủ tướng lúc bấy giờ là Mahathir Mohamad đã xung đột với nhà đầu tư tỷ phú George Soros với quan điểm rằng rằng nhà đầu tư kỳ cựu này đang tấn công đồng ringgit, giống như ông đã làm với đồng bảng Anh vào năm 1992.
Bên cạnh đó, việc đồng yên rơi về mức 160 yên mỗi đô la - mức thấp nhất kể từ những năm 1990 đã làm dấy lên suy đoán rằng các quan chức Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc có thể bước vào cuộc đua hỗ trợ tỷ giá trên thị trường tiền tệ.
Điều đó sẽ gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ ở quy mô mà thị trường chưa từng thấy trước đây. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc chọn cách hỗ trợ đồng nhân dân tệ, châu Á có thể sẽ chệch hướng theo những cách vượt xa những gì đã trải qua kể từ những năm 1990.
Trong sự kiện Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, châu Á đã tránh được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất nhờ hai động cơ kinh tế chính đã đứng vững. Nhu cầu từ Trung Quốc và Nhật Bản đã giúp châu Á vượt qua tình trạng hỗn loạn của Phố Wall.
Ngày nay, cả hai động cơ đều đang không ở vị thế hoạt động tốt nhất. Lĩnh vực bất động sản quan trọng vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang ở mức cao kỷ lục. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng giá tiêu dùng giảm và kết quả là đang có mối lo ngại về tình trạng giảm phát tương tự như Nhật Bản.
Việc Fed miễn cưỡng cắt giảm lãi suất đang làm phức tạp thêm các lựa chọn quản lý nợ của Trung Quốc. Bất kỳ kế hoạch nào mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phải cắt giảm lãi suất đều bị trì hoãn cho đến khi Chủ tịch Fed Jerome Powell thực hiện động thái. Trong khi kỷ nguyên lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn” tiếp tục kéo dài, Trung Quốc sẽ khó duy trì ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng hơn.
Việc tính toán cũng khó khăn không kém tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Khi năm 2024 bắt đầu, thị trường cũng tin rằng BOJ sẽ thắt chặt chính sách cũng như họ tin rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách. Sự thay đổi của Fed và sức mạnh của đồng đô la đã khiến BOJ của Thống đốc Kazuo Ueda rơi vào tình trạng tê liệt chính sách.
Trong khi đó, lạm phát ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm. Vào năm 2023, áp lực giá cao nhất kể từ đầu những năm 1980 đã chứng minh việc chấm dứt nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, trong tháng 4, giá tiêu dùng khu vực Tokyo chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mục tiêu 2% của BOJ.
Từ Nhật Bản đến Thái Lan, vòng lặp phản hồi của việc giá cả Trung Quốc giảm đang làm thay đổi quỹ đạo kinh tế.
Tình trạng không thuận lợi
Có những lý do khác khiến hệ thống toàn cầu ở trong tình trạng bấp bênh hơn so với cuối những năm 1990. Một là môi trường chính trị Mỹ đang bị phân cực sâu sắc. Sự rối loạn này đang va chạm với khoản nợ quốc gia lên tới gần 35.000 tỷ USD, khiến Mỹ đã mất hai trong số ba xếp hạng tín nhiệm AAA.
Một yếu tố khác là hiệu ứng Covid kéo dài làm suy yếu triển vọng của châu Á. Chúng bao gồm các khoản nợ công khổng lồ được tích lũy để ổn định tăng trưởng. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính chỉ riêng từ năm 2019 đến năm 2021, nợ công ở các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã tăng trung bình hơn 8% GDP, trong đó một số quốc gia tăng gần 50%.
Sức hút ngày càng tăng của đồng đô la khiến khu vực này ít chuẩn bị hơn trước các dòng vốn lớn chảy ra ngoài cũng như thị trường trái phiếu và chứng khoán thiếu thanh khoản. Điều đó có nghĩa là sẽ có ít vốn hơn để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và đầu tư vào công nghệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe để xây dựng những tương lai sáng tạo và hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, châu Á đã đi được một chặng đường dài trong một phần tư thế kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Các nền kinh tế năng động và minh bạch hơn. Các ngân hàng mạnh hơn và thị trường linh hoạt hơn. Khu vực tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Dự trữ ngoại hối đã được xây dựng lại.
“Các quốc gia châu Á hiện đang ở vị thế tốt hơn để đối phó với những biến động của tỷ giá hối đoái nhờ ít xung đột tài chính hơn cũng như các nền tảng cơ bản và thể chế vĩ mô tốt hơn, đồng thời nên tiếp tục cho phép tỷ giá hối đoái đóng vai trò như một tấm đệm chống lại các cú sốc”, Krishna Srinivasan, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết.
Nhưng châu Á vẫn còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu để có được sự thoải mái. Và sức hấp dẫn của các nền kinh tế từ Indonesia đến Hàn Quốc không thể sánh được với đồng đô la tăng mạnh đang hút ngày càng nhiều vốn trên toàn cầu.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25711536090