Thứ bảy, 27-4-2024 - 15:6 GMT+7  Việt Nam EngLish 

'Việt Nam có cách tiếp cận hiệu quả trong khuyến khích đầu tư' 

 Thứ tư, 26-7-2023

AsemconnectVietnam - Chuyên gia Israel nhận định các doanh nghiệp Israel đến Việt Nam đều bày tỏ sự hài lòng trước những lao động chịu khó, có thể giao tiếp ngoại ngữ, hòa nhập nhanh với văn hóa nước khác.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ chính thức (12/7/1993-12/7/2023), hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Israel đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó một phần là nhờ sự tham gia của các chuyên gia tư vấn, môi giới đầu tư, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp hai nước.
Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv đã phỏng vấn bà Einat Halevi Levin, Chủ tịch Phòng Thương mại Israel-Việt Nam (IVC), người đã có 10 năm kinh nghiệm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Từng là một nhà ngoại giao 5 năm sống ở Hà Nội và có 2 con sinh ra tại đây, bà Einat luôn theo dõi sát sao tình hình Việt Nam và nhận thấy chỉ trong vòng hơn 10 năm, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực xét về chất lượng cuộc sống và môi trường kinh doanh.
Hà Nội hiện nay đã trở thành một đô thị đích thực với các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá mở rộng, các trung tâm thương mại nhộn nhịp những người có thu nhập cao mua sắm các mặt hàng tiêu dùng chất lượng tốt.
Nhiều người có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, biết hòa nhập theo phong cách làm việc của phương Tây và đặc biệt là có tinh thần khởi nghiệp kinh doanh nhiều hơn.
Bà Einat nói thêm: “Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày nay cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Việt Nam được biết đến là một cơ hội kinh doanh tốt trong khu vực. Các công ty của Israel hiểu rằng muốn đặt chân vào Đông Nam Á, thì Việt Nam là một xuất phát điểm tốt, tốt hơn các nước khác.”
Trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, từ năm 2011-2016, bà Einat tự thấy mình đã may mắn được thực sự sống trong nền văn hóa Việt Nam và đây là yếu tố quan trọng để bà có thể phát huy những đóng góp cá nhân cho mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.
Theo bà, Việt Nam và Israel có sự khác biệt rất lớn về văn hóa theo nhiều góc độ, nên nếu muốn vào Việt Nam thành công, các doanh nghiệp Do Thái phải hiểu được một số văn hóa cơ bản, hiểu được đâu là quan trọng và đâu là những thứ không quan trọng.
Nhờ thấu hiểu nền văn hóa Việt Nam, bà đã hỗ trợ các doanh nghiệp Israel muốn đầu tư hoặc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tìm hiểu về các nét văn hóa kinh doanh sở tại, qua đó kinh doanh hiệu quả hơn.
Bà Einat đã làm việc với nhiều doanh nghiệp Israel, tư vấn và hỗ trợ chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc hoặc Đông Âu sang Việt Nam, nơi họ có thể tìm được điều kiện kinh doanh tốt hơn, hiệu quả hơn, giá nhân công rẻ hơn.
Điển hình là công ty Tama của Israel, chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao cho nông nghiệp.
Công ty này đã có các nhà máy ở Italy, Hungary, nhưng chưa có cơ sở nào ở Đông Nam Á và bà Einat đã hỗ trợ Tama vào Việt Nam đầu tư tại huyện Củ Chi năm 2018. Sau thời gian hoạt động thành công, hiệu quả, Tama đang mở rộng thị trường xuất khẩu và thuê nhiều nhân công, quản lý người Việt.
Nói về những thành tựu trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, khi được hỏi về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam - chính đảng duy nhất lãnh đạo đất nước đạt được những thành tựu này, bà Einat cho rằng một trong những thành quả cụ thể là dù có địa hình chạy dài từ Bắc tới Nam, nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã phát triển rất thuận lợi nhờ chính sách hiệu quả của Đảng Cộng sản Việt Nam, tìm cách tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận dễ dàng môi trường kinh doanh trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động dồi dào, trẻ, biết đọc biết viết thành thạo và được đào tạo tốt.
Đặc biệt, nhiều người sống ở vùng nông thôn nhưng khi chuyển tới thành phố họ rất năng động, có tư duy mở, gặp khó khăn không nản chí.
Hơn nữa, mặc dù người Việt Nam vẫn giữ gìn các suy nghĩ và niềm tin truyền thống, nhưng đồng thời họ cũng bắt nhịp nhanh để làm việc hiệu quả trong một môi trường năng động và biến đổi liên tục.
Các doanh nghiệp Israel đến Việt Nam đều bày tỏ sự hài lòng trước những lao động chịu khó, có thể giao tiếp ngoại ngữ, hòa nhập nhanh với văn hóa nước khác.
Bà Einat khẳng định: “Có được điều này, theo tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trang bị cho người lao động một một giá trị cốt lõi để họ có thể thành công. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đã hiểu điều này, nên rất tôn trọng. Họ hiểu người Việt Nam có các giá trị cốt lõi, vẫn duy trì chúng đồng thời vẫn biết cách làm việc trong môi trường rất năng động."
Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều làm trong sạch hàng ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước bằng một chiến dịch chống tham nhũng.
Bình luận về vấn đề này, bà Einat cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới nhất vào tháng 2/2023, để kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp Israel, bà đã tới một số tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhận thấy các cán bộ chính quyền đều có một cách tiếp cận rất cởi mở. Họ muốn hợp tác đầu tư phải hiệu quả, phải theo luật pháp, phải được thực hiện theo hình thức tốt nhất.
Bà nhận định: “Tôi rất ấn tượng khi thấy họ rất muốn tìm kiếm điều tốt đẹp cho người dân địa phương. Mục đích chính là làm sao để tỉnh đó, thành phố đó trở nên tốt hơn. Và tôi cho rằng đây chính là điểm cơ bản của chiến dịch chống tham nhũng, khi mọi người đều nhận ra rằng mục đích chính của công việc là làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Đây là biểu hiện chiến dịch chống tham nhũng đang thành công, bởi vì nếu họ chọn những điều tốt nhất cho người dân thì tham nhũng không thể xảy ra.”
Bà Einat cho rằng đã có sự chuyển biến rõ nét trong kết quả của chiến dịch xây dựng và chỉnh đốn Đảng tại Việt Nam trong những năm qua, thể hiện ở cách tiếp cận kinh doanh của các lãnh đạo địa phương. Họ cởi mở hơn khi tiếp nhận các cơ hội kinh doanh, quan tâm hơn tới tìm kiếm công nghệ tốt, cơ hội phát triển kinh tế tốt mà không quan tâm lợi ích kinh tế cá nhân hoặc thăng tiến trong chính trị.
Bà nhấn mạnh: “Họ chỉ quan tâm tới làm cách nào để thành phố đó, tỉnh đó, chính quyền đó, hoặc các dịch vụ công cho người dân được tốt hơn. Tôi nghĩ điều này thật tuyệt. Có thể thấy Việt Nam đang đi theo hướng đó ngày càng ít tham nhũng hơn.”
Tuy nhiên, theo bà Einat, chống tham nhũng đối với một quốc gia là một quá trình, đôi khi sẽ gặp những khó khăn. Trong quá trình này điều cốt lõi là cần quan tâm tới giáo dục và văn hóa kinh doanh. Nhật Bản và Singapore được biết đến là các quốc gia có chỉ số tham nhũng thấp.
Nhưng so với Singapore, Việt Nam là quốc gia lớn hơn nhiều, với dân số gần 100 triệu người, vì vậy công tác quản lý phức tạp hơn.
Còn Nhật Bản tái dựng đất nước sau Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, trong khi Việt Nam mới kết thúc chiến tranh vào những năm 1970. So với Việt Nam, hai quốc gia kia có nhiều lợi thế hơn để có thể thay đổi.
Về kế hoạch thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Israel và Việt Nam, bà Einat cho biết hai nước mới đây đã kết thúc đàm phán để có thể sớm ký hiệp định thương mại tự do (FTA).
Vì vậy, Phòng Thương mại Israel-Việt Nam (IVC) đã khởi động một chiến dịch khuyến khích các doanh nghiệp Israel tham gia hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đặc biệt là sản xuất.
IVC sẽ tổ chức một cuộc hội thảo đặc biệt với chủ đề chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp Israel khai thác các ưu thế của thị trường này về hợp tác sản xuất, cung cấp công nghệ, nhập khẩu hàng tiêu dùng…
Trước nhu cầu của nhiều doanh nghiệp Israel muốn tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, trong 1-2 năm tới, IVC sẽ đẩy mạnh hợp tác theo hướng này hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các cuộc hội thảo và tổ chức các đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam./.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/viet-nam-co-cach-tiep-can-hieu-qua-trong-khuyen-khich-dau-tu/881004.vnp

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710931528